Thời gian qua, một số kênh HD phát trên đường truyền cáp tương tự đem đến những hình ảnh không nét như kênh HD chuẩn, gây nên sự hiểu lầm cho người xem truyền hình về chất lượng kênh HD.
Nhu cầu được xem truyền hình độ nét cao (HD) của khán giả xem truyền hình ngày càng tăng và đang được xem là xu thế truyền hình trong thời điểm hiện tại. Đây cũng được coi là tiêu chí để khách hàng đánh giá ưu thế và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đem lại chất lượng hình ảnh, âm thanh cao nhất.
Vì thế, các đài truyền hình và các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cố gắng chạy đua để có được số lượng kênh HD nhiều hơn các đơn vị khác. Có thể kể ra một số đơn vị cung cấp truyền hình HD như AVG – Truyền hình An Viên, K+, VTC… Không chỉ có trên các kênh của dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền hình độ nét cao HD sắp tới có thể có trên những kênh truyền hình quảng bá. Đài truyền hình Việt Nam đang có kế hoạch phát một số kênh quảng bá bằng công nghệ truyền hình độ nét cao trên một số kênh. Truyền hình độ nét cao với chuẩn HD là công nghệ truyền hình đem lại hình ảnh sắc nét với độ phân giải cao, tỉ lệ khuôn hình với kích thước chiều dài tăng lên giúp đem lại hình ảnh căng mịn, sắc nét như thật. Điều này đem đến sự hài lòng, thích thú với người xem truyền hình.
Tuy nhiên trong thời gian qua, một số kênh truyền hình được phát trên các hệ thống truyền hình cáp tương tự (analog) lại có kèm logo HD khiến người xem nghĩ rằng đang được xem truyền hình HD có độ phân giải cao. Cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai về mặt kĩ thuật vì một số nguyên nhân: Thứ nhất, tín hiệu truyền hình đang được truyền đến người xem chính là tín hiệu truyền hình tương tự có độ phân giải theo chuẩn PAL chứ không phải chuẩn HDTV. Hình ảnh này có độ phân giải thấp hơn nhiều so với độ phân giải của truyền hình HD. Bên cạnh đó, hình ảnh còn kèm theo hiện tượng nhiễu muỗi do việc truyền dẫn tín hiệu truyền hình tương tự qua hệ thống cáp.
Thứ hai, để truyền hình ảnh truyền hình với độ phân giải HD trên truyền hình cáp, nhà đài phải có hệ thống điều chế tín hiệu truyền hình cáp số theo chuẩn DVB-C và các hệ thống nén hình ảnh chuẩn HD chứ không phải dùng các hệ thống sẵn có của truyền hình cáp tương tự. Tín hiệu truyền hình kỹ thuật số truyền đến người xem qua hệ thống cáp sẽ khử được hoàn toàn hiện tượng nhiễu muỗi của tín hiệu truyền hình tương tự. Đây là một điểm rất dễ nhận thấy của truyền hình kỹ thuật số.
Thứ ba, để xem được hình ảnh truyền hình có độ phân giải HD trên truyền hình cáp, người dùng phải có đầu thu truyền hình kỹ thuật số chuẩn HDTV và TV chuẩn HD. Đầu thu chuẩn HD này có nhiệm vụ giải mã tín hiệu truyền hình kỹ thuật số thành tín hiệu hiển thị hình ảnh truyền hình độ phân giải cao và truyền đến TV chuẩn HD qua cáp HDMI.
Việc đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phát các kênh truyền hình có logo HD như hiện tại khiến hình ảnh các kênh này chỉ có được độ phân giải SD và kèm theo hiện tượng nhiễu muỗi do các hạn chế của phương thức truyền dẫn tương tự gây ra. Tuy nhiên, logo kênh HD vẫn được giữ nguyên khiến người xem hiểu lầm đây là truyền hình chuẩn HD. Điều này khiến người xem ngộ nhận rằng chất lượng hình ảnh HD không sắc nét và không đánh giá cao công nghệ HD vì chất lượng hình ảnh không khác gì các kênh truyền hình SD khác.
Trong khi những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kĩ thuật số phải mất kinh phí lớn để đầu tư thiết bị và mua kênh chất lượng HD để đảm bảo tín hiệu truyền đến người dùng theo đúng chuẩn HDTV, thì việc những nhà cung cấp khác phát kênh truyền hình tương tự có logo HD sẽ gây mất uy tín/ thiệt hại đến các đơn vị cung cấp truyền hình kĩ thuật số và ảnh hưởng đến cả những nhà cung cấp kênh quốc tế tại Việt Nam. Điều này cũng khiến một bộ phận người xem truyền hình chưa biết nhiều về truyền hình HD sẽ không đánh giá cao công nghệ tiên tiến này, làm giảm giá trị của kênh HD.
Truyền hình HD phải đi liền với công nghệ truyền hình kỹ thuật số. Để xem được truyền hình HD, không cách nào khác là người dùng phải có đầu thu kỹ thuật số chuẩn HD đi kèm với TV chuẩn HD và nhà cung cấp phải phát tín hiệu truyền hình kỹ thuật số đến người xem.
Theo ICTNews